Trung bình cứ 2 phút lại có 1 người phụ nữ trên thế giới tử vong vì ung thư cổ tử cung. Điều này đã khiến căn bệnh này được liệt vào nhóm những căn bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất ở nữ giới. Cùng tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị của căn bệnh này qua bài viết hôm nay.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là một loại bệnh xảy ra trong các tế bào của cổ tử cung – phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo. Khi những tế bào ở cổ tử cung phát triển quá mức kiểm soát sẽ gây nên những khối u. Những khối u này nếu không được chữa trị kịp thời, để lâu sẽ tạo thành ung thư.

Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 45, do một loại virus có tên là HPV gây ra. Virus này lây lan qua đường tình dục.
Thực tế, hầu hết cơ thể phụ nữ có thể chống lại nhiễm trùng HPV nhưng nếu là HPV 16, 18 sẽ dẫn đến ung thư. Nguy cơ mắc ung thư cao hơn ở những chị em hút thuốc, đã có nhiều con, dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài hoặc bị nhiễm HIV.
Dấu hiệu mắc bệnh
Ung thư cổ tử cung phát triển âm ỉ trong một thời gian dài. Trong thời gian này, các tế bào ở cổ tử cung sẽ biến đổi bất thường do sự thay đổi của môi trường âm đạo hoặc do nhiễm virus HPV.
Ở giai đoạn tại chỗ (giai đoạn vi xâm nhập), virus HPV chỉ vừa xâm nhập vào cơ thể nên bệnh thường không có biểu hiện gì đặc biệt và chỉ có thể được chẩn đoán bằng mô bệnh học. Nếu phát hiện bệnh trong giai đoạn này thì tỷ lệ chữa khỏi là rất cao.

Giai đoạn ung thư xâm nhập thì những triệu chứng của bệnh sẽ rõ ràng hơn. Chị em có thể nhận biết bệnh qua những dấu hiệu sau đây:
- Chảy máu âm đạo bất thường giữa kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục.
- Khí hư bất thường, thường có màu vàng hoặc lẫn máu, trạng thái loãng hoặc nhầy.
- Đau sau khi quan hệ tình dục, đau vùng chậu. Cơn đau âm ỉ và xảy ra bất kỳ lúc nào trong tháng.
- Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết.
- Tiểu buốt, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, đôi lúc kèm máu.
- Cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Khi khối ung thư đã lan rộng sẽ làm tắc nghẽn dòng máu, gây sưng và đau chân, phù chi.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Đa số các trường hợp mắc bệnh đều xuất phát từ nguyên nhân nhiễm Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao.
HPV là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 type HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung.
Thống kê cho thấy, hầu như tất cả nữ giới trong độ tuổi sinh sản đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, trong đó có khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao.

Khi nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Nhưng không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công. Nếu bị nhiễm HPV nguy cơ cao, chị em sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai.
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Gia đình đã từng có người mắc bệnh hoặc các căn bệnh ung thư khác: u nang buồng trứng, u xơ tử cung,…
- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn.
- Sinh con dưới 17 tuổi, sinh đẻ nhiều lần (trên 5 lần).
- Mắc bệnh viêm cổ tử cung mãn tính.
- Suy giảm hệ miễn dịch.
- Sử dụng thuốc tránh thai trên 5 năm.
- Hút thuốc lá.
Bệnh ung thư cổ tử cung có lây không?
Nhiều chị em thắc mắc không biết bệnh có lây không và nếu có thì ung thư cổ tử cung lây qua đường nào?
Trên thực tế đây không phải là bệnh truyền nhiễm nên chị em mắc bệnh không cần phải lo lắng về việc lây lan bệnh. Tuy nhiên, HPV – loại virus có liên quan đến hầu hết các trường hợp bệnh là loại virus truyền nhiễm. Do vậy mà khi đã bị mắc ung thư cổ tử cung thì không lây truyền nhưng nếu đang là virus HPV thì vẫn có thể lây.
Virus HPV có thể lây cả nam lẫn nữ, nhưng ở nữ virus gây nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn hơn. Các con đường lây nhiễm của HPV bao gồm: quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con, sử dụng chung đồ lót, hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da,..
Cách phòng bệnh ung thư cổ tử cung
Để ngăn ngừa loại bệnh này, chị em phụ nữ cần:

- Tiêm phòng vacxin HPV
- Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi, vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống lại nguy cơ gây bệnh ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng.
- Không quan hệ tình dục quá sớm, có đời sống tình dục lành mạnh.
- Không lạm dụng thuốc tránh thai.
- Giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ.
- Khám sàng lọc sớm để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).
Cách điều trị bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có chữa được không là câu hỏi được rất nhiều chị em đặt ra. Trên thực tế, khả năng điều trị khỏi bệnh sẽ rất cao nếu được phát hiện sớm. Còn nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì rất khó chữa trị.
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và dùng thuốc.
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ cắt bỏ khối ung thư bao gồm:
- Cắt bỏ cổ tử cung bằng phẫu đông lạnh, tia laser hoặc khoét chóp.
- Cắt rộng cổ tử cung: bao gồm phần cổ tử cung, mô xung quanh và phần trên của âm đạo nhưng vẫn giữ lại phần tử cung giúp chị em vẫn có khả năng có em bé sau này.
- Cắt bỏ tử cung: bao gồm cổ tử cung và tử cung, đôi khi sẽ gồm cả buồng trứng và ống dẫn trứng tùy thuộc vào tuổi tác bệnh nhân. Trong trường hợp cắt bỏ tử cung sẽ không thể có con.
- Đoạn chậu: loại bỏ cổ tử cung, âm đạo, tử cung, bàng quang, buồng trứng, ống dẫn trứng và trực tràng.

Xạ trị
Nếu bị ung thư giai đoạn sớm, bạn sẽ được chỉ định xạ trị đơn thuần hoặc phẫu thuật. Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, tình trạng sức khỏe,…
Trong trường hợp khối u lớn, bác sĩ sẽ xạ trị trước khi thực hiện phẫu thuật, mục đích là làm thu nhỏ khối u, thuận lợi cho phẫu thuật. Một số trường hợp lại xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau mổ, giúp giảm nguy cơ tái phát tại cổ tử cung.
Khi ung thư đã sang giai đoạn trễ, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp xạ trị và hóa trị liệu để giảm chảy máu và đau đớn.
Hóa trị
Hóa trị thường sử dụng đối với giai đoạn trễ, có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư đang lan tràn trong cơ thể.
Thuốc điều trị đích
Bevacizumab là một thuốc điều trị mới, có cơ chế tác động khác biệt hoàn toàn các phương pháp trên. Thuốc ngăn cản sự tạo thành và phát triển các mạch máu nuôi sống tế bào ung thư, thường được sử dụng cùng với hóa trị.
Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Do vậy mà các chị em cần phải nắm rõ những kiến thức cơ bản của bệnh để có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.