Theo thống kê tại Việt Nam có khoảng 33% phụ nữ mắc bệnh viêm cổ tử cung. Trong đó có khoảng 40% đã bị biến chứng nặng, ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Do vậy mà chị em cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh lý này để phòng ngừa và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe sinh sản, sinh lý.
Viêm cổ tử cung là gì?
Viêm cổ tử cung là tình trạng sưng viêm ở ống cổ tử cung do vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng tấn công. Cùng với viêm âm đạo, đây là 2 bệnh lý phụ khoa thường gặp nhất ở nữ giới, đặc biệt là các chị em dưới 25 tuổi.

Nhiều chị em thắc mắc không biết viêm cổ tử cung có nguy hiểm không? Trên lý thuyết đây là loại bệnh không khó chữa. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của tử cung và âm đạo, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
Nếu để bệnh tái phát nhiều lần, rất có khả năng phát triển các tế bào ung thư dẫn đến nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Dấu hiệu nhận biết viêm cổ tử cung
Bệnh viêm cổ tử cung được chia thành 2 loại: cấp tính và mãn tính.
Với tình trạng bệnh cấp tính sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng như một số căn bệnh phụ khoa khác. Đa phần mọi người chỉ vô tình phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc do mắc bệnh khác mới phải đi khám bệnh.
Nếu có thì dấu hiệu nhận biết sẽ bao gồm:
- Khí hư bất thường: có màu vàng hoặc xanh, không trong mà đặc dính như mủ, có mùi hôi tanh khó chịu.
- Đau, ngứa âm đạo
- Đau bụng dưới, cảm giác đau tăng lên khi quan hệ, đôi khi kèm cả đau lưng.
- Đau buốt khi tiểu tiện, tiểu nhiều lần
- Âm đạo xuất huyết bất thường: ra máu sau khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt.

Về cơ bản, triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung rất dễ nhầm lẫn với viêm âm đạo. Đôi khi 2 căn bệnh này thường song hành cùng nhau. Chị em bị viêm âm đạo lâu ngày có thể biến chứng thành viêm cổ tử cung. Thông thường cả 2 loại bệnh này sẽ xuất hiện cùng nhau.
Để chắc chắn, khi thấy vùng kín có những dấu hiệu bất thường, chị em nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám phụ khoa uy tín để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh đúng nhất.
Nguyên nhân gây viêm cổ tử cung
Đa số các trường hợp mắc bệnh đều là do nhiễm trùng được truyền qua hoạt động tình dục gồm:
- Lậu
- Chlamydia
- Trichomonas
- Nhiễm HIV
- Nhiễm virus herpes (tức mụn rộp sinh dục)
- Nhiễm virus papilloma ở người (HPV, mụn cóc sinh dục).

Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp chị em bị viêm cổ tử cung nhưng khi xét nghiệm lại không dương tính với bất kỳ loại nhiễm trùng nào. Các nguyên nhân gây bệnh lúc này có thể bao gồm:
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách, có tiền sử mắc bệnh viêm âm đạo.
- Nhiễm trùng, kích ứng hoặc chấn thương do đặt các dụng cụ vào tử cung.
- Suy giảm hệ miễn dịch.
- Dị ứng với hóa chất trong chất diệt tinh trùng, dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc bao cao su.
- Mất cân bằng hormone.
- Thay đổi môi trường trong cơ thể do ung thư hoặc sử dụng thuốc điều trị ung thư.
- Dị tật trong tử cung.
Cách phòng tránh viêm cổ tử cung
Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Việc phòng bệnh sẽ giúp chị em phụ nữ tránh được những triệu chứng như: suy giảm ham muốn, rối loạn sinh lý nữ. Theo đó, để phòng bệnh viêm cổ tử cung cũng như những bệnh lý phụ khoa khác, chị em cần lưu ý:

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách: không thụt rửa âm đạo, không sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh,…
- Thường xuyên thay quần lót, quần sau khi thay nên giặt ngay và phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc ủi nóng trước khi mặc.
- Khi giao hợp cần nhẹ nhàng, tránh những hành vi thô bạo sẽ khiến cổ tử cung bị tổn thương.
- Không quan hệ tình dục bừa bãi, nếu nghi ngờ bạn tình mắc bệnh về tình dục cần phải đeo bao su bảo vệ.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ (băng vệ sinh, tampon, dung dịch vệ sinh,…) không an toàn do những sản phẩm này có thể gây kích thích, dị ứng với cổ tử cung.
- Phát hiện khí hư bất thường cần đi khám ngay.
Cách điều trị viêm cổ tử cung
Việc điều trị viêm cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Do lậu thường được điều trị bằng cách tiêm kháng sinh ceftriaxone và azithromycin đường uống.
- Do Chlamydia thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống như azithromycin, doxycycline, ofloxacin hoặc levofloxacin.
- Do Trichomonas được điều trị bằng metronidazol.
- Do mụn rộp sinh dục: bác sĩ sẽ kê thuốc chống vi-rút kê toa. Có thể là acyclovir, valacyclovir hoặc famciclovir. Thời gian dùng thuốc tối đa 10 ngày kể từ lần đầu tiên bị mụn rộp sinh dục. Đối với mụn rộp sinh dục tái phát, bạn có thể dùng thuốc từ 3 – 5 ngày.
- Do tử cung bị chấn thương do sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Nếu được chẩn đoán bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, bạn cần cho đối tác tình dục gần đây biết để họ thực hiện xét nghiệm xem có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không và có phương pháp điều trị sớm.

Lưu ý:
- Nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại kháng sinh nào, bác sĩ sẽ thay thế bằng những loại thuốc khác.
- Người bệnh cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi các triệu chứng được cải thiện hoặc hết hẳn để tránh khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Trong quá trình điều trị bệnh, bạn cần giữ vùng kín sạch sẽ, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý.
- Không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự kê đơn, tư vấn từ bác sĩ.
Những câu hỏi thường gặp
Viêm cổ tử cung có quan hệ được không?
Khi mắc bệnh, người bệnh không nên quan hệ tình dục vì những lý do sau đây:
- Có thể lây bệnh cho bạn tình nếu không sử dụng bao cao su bảo vệ.
- Dễ làm cho vết thương ở cổ tử cung nghiêm trọng hơn, khiến tử cung bị trầy xước, lở loét và có thể gây chảy máu âm đạo rất nguy hiểm.
- Khiến vi khuẩn, ký sinh trùng dễ dàng thâm nhập vào sâu cổ tử cung làm bệnh trở nên nặng hơn, gây cản trở đến quá trình điều trị.
- Làm tăng nguy cơ biến chứng thành ung thư cổ tử cung.

Viêm cổ tử cung có mang thai được không?
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ bị viêm cổ tử cung hoàn toàn có thể mang thai bình thường nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nếu bệnh đã biến chứng nặng, mãn tính thì sẽ ảnh hưởng đến sự mang thai, đôi khi gây vô sinh – hiếm muộn.
Một số chị em vẫn mang thai khi bệnh nhẹ. Tuy nhiên tốt hơn hết, chị em nên điều trị triệt để bệnh trước khi có ý định mang thai.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về bệnh viêm cổ tử cung. Nắm rõ những thông tin trên đây sẽ giúp chị em có sự chủ động trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh, đảm bảo sức khỏe sinh lý và vùng kín.
Chúc các chị em phụ nữ luôn khỏe đẹp và tự tin!
>>> Các loại bệnh phụ khoa khác thường gặp ở phụ nữ:
Viêm phần phụ ở nữ giới: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
Viêm nội mạc tử cung: hiểu đúng bệnh – chữa đúng cách!
Đau âm hộ mãn tính có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị